TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên án sơ thẩm đối bị cáo Chu Tiến Dũng và đồng phạm "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" hơn 22 tỷ đồng, xảy ra tại CNS và Công ty CP TIE (công ty con của CNS, viết tắt TIE).
Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Chu Tiến Dũng 5 năm tù, Nguyễn Hoành Hoa (65 tuổi, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên CNS), Đỗ Văn Ngà (56 tuổi, cựu Kế toán trưởng CNS) cùng 4 năm tù; Nguyễn Hoàng Anh (41 tuổi, cựu Chánh văn phòng, Phó Tổng Giám đốc CNS) 3 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Phạm Thúy Oanh (51 tuổi, cựu kế toán trưởng TIE, người đại diện quản lý phần vốn góp của CNS tại TIE) 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Hoàng Minh Trí (50 tuổi, cựu thành viên HĐQT TIE, người đại diện quản lý phần vốn góp của CNS tại TIE), Lê Viết Ba (41 tuổi, cựu Phó phòng Tài chính - Kế toán CNS) cùng 3 năm tù.
Các bị cáo: Nguyễn Đức Vượng (50 tuổi, cựu Chánh Văn phòng CNS), Vũ Lê Tùng (57 tuổi, cựu Phó Tổng Giám đốc CNS), Huỳnh Tấn Tư (54 tuổi, cựu Phó Tổng Giám đốc CNS) cùng 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Bị cáo Chu Tiến Dũng
Về phần dân sự buộc các bị cáo khắc phục tổng cộng 22 tỷ đồng gây thất thoát.
HĐXX nhận định đối với hành vi vi phạm gây thất thoát quỹ khen thưởng hơn 17,3 tỷ đồng, theo hồ sơ, lãnh đạo CNS thống nhất về việc sử dụng nguồn tiền từ quỹ khen thưởng của CNS để phục vụ đối ngoại, ngoại giao, tri ân với đơn vị, cá nhân ngoài CNS vào các dịp lễ, tết. Tuy nhiên, các bị cáo không thực hiện theo quy định của Luật Kế toán, khi tất cả các bộ hồ sơ chi thưởng đều không có danh sách cá nhân được khen thưởng ký nhận cụ thể và không nêu rõ thành tích hỗ trợ, đóng góp cho CNS để được khen thưởng theo tiêu chí, điều kiện quy định, gây thất thoát hơn 17,3 tỷ đồng của CNS. Trong khi đó, thực tế nguồn tiền lại chi cho người đề xuất/bộ phận đề xuất. Từ đó, khẳng định các bị cáo gây thất thoát tài sản nhà nước là tiền của Công ty CNS hơn 17,3 tỷ đồng.
Đối với vi phạm trong việc thoái 70% vốn của CNS tại TIE, theo HĐXX, thông qua 2 lần thoái vốn CNS tại TIE vào ngày 21/3/2016 và ngày 27/12/2016, 6 bị cáo tại CNS và TIE đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh gây thất thoát cho CNS hơn 4,6 tỷ đồng.
HĐXX xác định bị cáo Chu Tiến Dũng phải chịu trách nhiệm chính khi gây thiệt hại 17,3 tỷ đồng của quỹ khen thưởng CNS và đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Hoành Hoa khi làm thất thoát 4,689 tỷ đồng trong việc thoái vốn đầu tư của CNS tại Công ty Cổ phần TIE.
Bị cáo Nguyễn Hoành Hoa là Chủ tịch Hội đồng thành viên CNS phải chịu trách nhiệm chính đối với số tiền 4,6 tỷ đồng thất thoát trong quá trình thoái vốn tại TIE.
Các bị cáo còn lại giúp sức trong việc làm thất thoát 17,3 tỷ đồng từ quỹ khen thưởng và 4,6 tỷ đồng từ việc thoái vốn phải chịu trách nhiệm trên số tiền đã làm thất thoát.
HĐXX nhận định, các bị cáo trong vụ án đều là những người có trình độ, nhận thức pháp luật, được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác của mình, đa số là lãnh đạo. Tuy nhiên, chỉ vì động cơ cá nhân và cả vì nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, các bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội, gây thất thoát về tài sản lớn cho Nhà nước, tạo dư luận xấu trong xã hội.
Theo cáo trạng, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn - CNS là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trực thuộc UBND TP Hồ Chí Minh, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Trong đó, đối với Công ty cổ phần TIE, CNS chiếm 70% vốn điều lệ. Ngày 15/1/2019, Cục An ninh kinh tế Bộ Công an tiếp nhận đơn tố cáo của tập thể cán bộ, công nhân viên CNS tố cáo ông Chu Tiến Dũng có hành vi vi phạm pháp luật. Nhà chức trách xác định bị can Chu Tiến Dũng và các đồng phạm đã có hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng CNS, gây thất thoát 17,3 tỷ đồng, thực hiện thoái vốn đầu tư của CNS tại TIE, gây thất thoát 4,6 tỷ đồng. Đối với hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước xảy ra tại CNS và các công ty con, gồm: Công ty CP điện tử và dịch vụ công nghiệp Sài Gòn (Sagel), TIE và Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoa Mai. Quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ban hành các yêu cầu định giá tài sản đối với tài sản liên quan về chuyển nhượng, thanh lý tài sản cố định; thoái vốn; góp vốn thành lập pháp nhân mới đầu tư dự án liên quan các công ty trên; song đến nay, hội đồng định giá tài sản đều chưa có kết luận định giá tài sản, nên chưa xác định được hậu quả thiệt hại xảy ra, tính chất, mức độ của các hành vi sai phạm. Ngoài ra, do Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an chưa triệu tập, lấy lời khai của ông Nguyễn Như Hưng (Tổng giám đốc Sagel, người đại diện vốn của CNS tại Sagel), nên chưa làm rõ được việc bàn bạc, thỏa thuận giữa ông Hưng và các cá nhân liên quan trong việc làm trái quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước tại Sagel. Để đảm bảo tính toàn diện, triệt để khi xử lý các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản Nhà nước xảy ra tại Sagel, TIE và Công ty Hoa Mai, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tách các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật để tiếp tục điều tra, xác minh. |